Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phát triển Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp FDI: Cần sự tích cực và kiên trì

28-11-2017 16:03

Dù đã có nhiều sự quan tâm nhưng đến nay việc phát triển Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh vẫn rất khiêm tốn, ngoại trừ tổ chức công đoàn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực và kiên trì hơn nữa của các cơ quan liên quan.

Tổ chức công đoàn hoạt động tốt sẽ đem lại lợi ích cho cả người lao động và chủ DN. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH KSD Vina (KCN Điềm Thụy).

Phải khẳng định rằng, tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp (DN) nói chung, DN FDI nói riêng nếu duy trì hoạt động tốt sẽ góp phần đem lại lợi ích cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Bởi các tổ chức này là nơi tập hợp, định hướng tư tưởng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng như nội quy của đơn vị cho người lao động. Đó cũng là “cầu nối” hữu ích giữa chủ DN và người lao động, giải quyết kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh giữa hai bên; góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công nhân, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của họ.

Công ty TNHH KSD Vina đóng tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy là một DN FDI (100% vốn Hàn Quốc) có quy mô khá lớn, đã đi vào hoạt động được 4 năm và hiện có trên 1.200 công nhân. Công đoàn Công ty được thành lập từ sớm và duy trì hoạt động khá hiệu quả. Ông Choi Wool Chul, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Nhận thấy vai trò tích cực của tổ chức Công đoàn trong DN, chúng tôi luôn tạo điều kiện về thời gian và kinh phí để họ hoạt động. Thông qua Công đoàn, chúng tôi nắm được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để điều chỉnh chế độ và điều kiện làm việc cho phù hợp...

Chị Khoa Thị Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty KSD Vina chia sẻ: Khi Công ty mới đi vào hoạt động, giữa người lao động và chủ doanh nghiệp đã từng xảy ra một số sự việc khá căng thẳng, hai bên “chưa hiểu nhau” nên có phản ứng thái quá. Nhận được sự  giúp đỡ của công đoàn cấp trên và các cơ quan liên quan, chúng tôi đã làm “cầu nối” giải quyết hài hòa mâu thuẫn. Ngoài việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chăm lo đời sống cho người lao động, Công đoàn Công ty còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác…

Toàn tỉnh hiện có trên 90 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, thu hút hàng chục nghìn công nhân. Theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, phần lớn các chủ DN người nước ngoài chấp hành tốt các quy định của Luật Lao động và Luật Công đoàn. Đa số các DN đã đi vào hoạt động đều có tổ chức công đoàn và tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn như trường hợp Công ty KSD Vina. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp chủ DN tỏ ra thiếu hợp tác. Nguyên nhân chủ yếu là họ chưa hiểu hết bản chất, vai trò của tổ chức công đoàn. Những trường hợp này, chúng tôi kiên trì đến vận động cả chủ DN và người lao động, bằng nhiều hình thức, tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc của công nhân. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Công đoàn các KCN tỉnh đã vận động thành lập được 9 công đoàn cơ sở tại các DN FDI với tổng số trên 3.500 đoàn viên.

Thực tế thấy, việc phát triển tổ chức công đoàn trong DN FDI tuy gặp một số khó khăn đặc thù nhưng đã đạt được kết quả khá tích cực. Nguyên nhân cơ bản là ngoài sự nỗ lực của các cấp công đoàn thì việc thành lập và hoạt động của công đoàn trong DN đã được luật hóa. Trong khi đó, việc phát triển Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong DN FDI đang gặp rất nhiều khó khăn, kết quả gần như vẫn là con số không. Trong số hàng chục DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH Wiha VN (đóng tại KCN Sông Công I) và Công ty Mani Hà Nội (đóng tại T.X Phổ Yên) là có chi bộ Đảng. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy Sông Công, Chi bộ Công ty TNHH Wiha (hiện có 14 đảng viên) hoạt động không mấy hiệu quả, nhiều năm không phát triển được đảng viên.

Đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Sông Công cho rằng: Việc khó thành lập tổ chức Đảng, duy trì hoạt động cũng như phát triển đảng viên trong DN FDI do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, người lao động trong DN luôn mang tâm lý mình là người làm công nên dù vào Đảng cũng không có cơ hội phát triển, hoặc e ngại khi là đảng viên sẽ bị ảnh hưởng đến thời gian làm việc, thu nhập. Trong khi đó, nhiều chủ DN do chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của tổ chức Đảng, đoàn thể nên thiếu hợp tác, không tạo điều kiện cho các tổ chức này thành lập và hoạt động. Để công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong DN FDI đạt kết quả tốt cần tích cực và kiên trì hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động thông qua nhiều kênh khác nhau. Đây là giải pháp đang được Thành ủy quan tâm chỉ đạo.

Cũng do những nguyên nhân tương tự, hiện không có DN FDI nào có tổ chức Đoàn, trong khi đại đa số công nhân đều đang trong độ tuổi Đoàn (từng có một DN FDI tại T.X Phổ Yên thành lập được tổ chức Đoàn nhưng đã giải thể). Anh Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Chúng tôi luôn quan tâm đến công tác phát triển Đoàn trong DN nói chung, trong đó có DN FDI bằng việc đưa ra nhiều giải pháp và chỉ tiêu cụ thể. Các cấp bộ Đoàn nơi có DN FDI cũng đã tiếp cận để vận động thanh niên và chủ DN nhưng gặp phải nhiều khó khăn nên kết quả chưa khả quan…

Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, tỉnh Thái Nguyên được nhiều DN nước ngoài chọn làm “bến đỗ”, tạo ra  sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng có thể nói, công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong loại hình DN này chưa theo kịp sự phát triển chung đó. Do vậy, các cơ quan liên quan cần tích cực, kiên trì hơn trong vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động. Cách thức vận động cũng cần linh hoạt, thiết thực và phù hợp hơn với đặc thù của DN vốn đầu tư nước ngoài.

Trần Quyền



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3876830